Kỷ Tam Điệp là gì?
Kỷ Tam Điệp: kỷ Trias là một kỷ địa chất kéo dài từ khoảng 251 đến 200 triệu năm trước. Là kỷ đầu tiên của Đại Trung Sinh, kỷ Trias kế tiếp kỷ Permi và kế tiếp nó là kỷ Jura. Cả sự mở đầu lẫn sự kết thúc của kỷ Trias đều được đánh dấu bằng các sự kiện tuyệt chủng lớn.
Sự kiện tuyệt chủng kết thúc kỷ Trias gần đây đã được xác định niên đại chính xác hơn, nhưng cũng giống như các kỷ địa chất cổ khác, các tầng đá để xác định sự bắt đầu và kết thúc dù đã được xác định khá tốt nhưng niên đại chính xác của kỷ này vẫn là điều không chắc chắn với sai số vài triệu năm.
Trong kỷ Trias, cả sự sống trong đại dương lẫn trên đất liền đã thể hiện sự bức xạ thích ứng bắt đầu từ sinh quyển đã bị kiệt quệ rõ ràng từ sự tuyệt chủng kỷ Permi-Trias. Các loại san hô từ nhóm Hexacorallia đã lần đầu tiên xuất hiện. Các loài thực vật hạt kín đầu tiên có thể đã tiến hóa trong kỷ Trias, cũng như những động vật có xương sống biết bay đầu tiên, nhóm các bò sát Pterosauria.
Niên đại và các phân kỷ Kỷ Tam Điệp
Kỷ Trias thông thường được chia thành ba phần kỷ là Tiền, Trung và Hậu Trias, và các tầng đá tương ứng được gọi là Hạ, Trung và Thượng Trias. Các tầng động vật từ trẻ đến già nhất là:
- Thượng/Hậu Trias (Tr3)
- Trung Trias (Tr2)
- Hạ/Tiền Trias (Scythia)
Sự kiện xảy ra ở kỉ Tam Điệp
Sự kiện tuyệt chủng Tam Điệp – Jura đánh dấu ranh giới giữa kỷ Tam Điệp và kỷ Jura, cách đây 199,6 triệu năm, và là một trong những sự kiện tuyệt chủng lớn trong liên đại Hiển sinh, và có tác động sâu sắc đến đời sống sinh vật trên đất liền và trong các đại dương. Trong đại dương toàn bộ lớp conodont và 20% các họ sống đã biến mất. Trên đất liền tất cả các loài Crurotarsi lớn (archosaur không phải khủng long) khác với cá sấu, một số therapsida còn lại, và phần lớn các loài lưỡng cư đã biến mất.
Ít nhất có phân nửa số loài đã sống trên Trái Đất mà chúng ta biết được đến nay đã bị tuyệt chủng. Sự kiện này đã để lại những hốc sinh thái trên đất liền, có thể là yếu tố cho phép khủng long chiếm vị trí thống trị trong kỷ Jura. Sự kiện này đã diễn ra kéo dài ít nhất 10.000 năm và chỉ ngay trước khi Pangaea bắt đầu tan rã. Ở khu vực Tübingen (Đức), người ta phát hiện một nghĩa địa xương Trias-Jura, đây là yếu tố đặc trưng cho ranh giới này
Trong lịch sử địa chất lâu dài của Trái Đất, đã có 5 lần xảy ra sự kiện tuyệt chủng hàng loạt. Vào cuối kỷ Trias khoảng 200 triệu năm trước, một thảm họa bất ngờ dẫn đến sự tuyệt chủng của một số lượng lớn sinh vật trên cạn.
Khí hậu Kỷ Tam Điệp
Khí hậu đầu kỷ Trias nói chung là khô và nóng, tạo ra các tầng đá đỏ điển hình gồm đá cát và trầm tích. Không có chứng cứ cho thấy có sự tồn tại của sông băng tại hay gần các cực; trên thực tế, các khu vực miền địa cực dường như là ẩm ướt và mát mẻ, một khí hậu thích hợp cho các sinh vật dạng bò sát.
Kích thước lớn của Pangea đã hạn chế hiệu ứng làm dịu của đại dương; khí hậu lục địa của nó có tính phân chia theo mùa rõ ràng, với mùa hè rất nóng và mùa đông lạnh giá (Stanley, 452-3). Rất có thể là nó có gió mùa mạnh và xuyên qua xích đạo (Stanley, 452-3).
Các dạng sự sống Kỷ Tam Điệp
Động vật biển
Trong các môi trường đại dương thì các kiểu san hô mới và hiện đại đã xuất hiện vào thời kỳ Trias sớm, tạo thành các mảng đá ngầm có kích thước khiêm tốn hơn so với các hệ thống san hô lớn của kỷ Devon hay của đá ngầm ngày nay.
Các động vật chân đầu (lớp Cephalopoda) có vỏ, gọi chung là con cúc (phân lớp Ammonoidea) đã phục hồi, đa dạng hóa từ một nhánh duy nhất còn sống sót sau sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Permi. Các loài cá khá đồng nhất, phản ánh một thực tế là còn rất ít các họ cá sống sót sau sự kiện tuyệt chủng này. Khi đó cũng tồn tại nhiều dạng bò sát sinh sống trong các đại dương.
Chúng bao gồm các nhóm thằn lằn chân chèo (siêu bộ Sauropterygia), bao gồm các phân bộ Pachypleurosauria và Nothosaurus (cả hai nhóm này đều phổ biến ở thời Trung Trias, đặc biệt là trong khu vực biển Tethys), các loài bò sát thuộc các bộ Placodontia và Plesiosauria đầu tiên; các loài bò sát giống như lươn thuộc bộ Thalattosaurus (chi Askeptosaurus); và thằn lằn cá (bộ Ichthyosauria) khá thành công, đã xuất hiện trong các vùng biển thời Trias sớm và đa dạng hóa khá sớm, một số cuối cùng đã phát triển với kích thước khổng lồ vào cuối kỷ Trias.
Thực vật trên cạn
Trên đất liền, những loại thực vật còn sống sót là ngành Lycopodiophyta (thạch tùng, thông đất), thống lĩnh là tuế (ngành Cycadophyta), ngành Ginkgophyta (đại diện ngày nay là bạch quả (Ginkgo biloba)) và dương xỉ có hạt. Thực vật có hạt thống lĩnh mặt đất. Ở bán cầu bắc, các loài thông là chủ yếu. Glossopteris (dương xỉ có hạt) đã thống trị bán cầu nam vào đầu kỷ Trias.
Động vật trên cạn
Động vật lưỡng cư bộ Temnospondyli thuộc nhóm các sinh vật sống sót sau sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi-Trias, một số nòi giống (ví dụ cận bộ Trematosauria) đã thịnh vượng trong một thời gian ngắn thời Trias sớm, trong khi các nhóm khác (ví dụ siêu họ Capitosauroidea) vẫn duy trì được thành công trong toàn kỷ, hoặc chỉ phát triển mạnh vào thời Trias muộn(ví dụ các siêu họ Plagiosauroidea, Metoposauroidea). Đối với các nhóm lưỡng cư khác, các loài thuộc phân lớp Lissamphibia đầu tiên được biết đến từ thời Trias sớm, nhưng nhóm này về tổng thể chưa phổ biến cho tới tận kỷ Jura, khi các lưỡng cư Temnospondyli đã trở nên rất hiếm.
Các loài bò sát trông tựa như cá sấu thuộc cận lớp Archosauromorpha – đặc biệt là nhóm Archosauria – đã thay thế mạnh mẽ cho các loài bò sát giống thú thuộc lớp Cung thú (Synapsida) đã thống trị trong kỷ Permi.
Mặc dù bò sát răng chó (chi Cynognathus) đã từng là động vật ăn thịt hàng đầu vào thời kỳ đầu kỷ Trias (Olenekia và Anisia) tại Gondwana, và cả các loài bò sát hai răng chó (họ Kannemeyeriidae thuộc cận bộ Dicynodontia) lẫn bò sát một răng chó (gomphodont thuộc cận bộ Cynodontia) vẫn là các động vật ăn cỏ quan trọng trong phần lớn thời gian của kỷ này, nhưng vào cuối kỷ Trias thì các bò sát giống thú này chỉ đóng vai trò không đáng kể.
Trong khoảng thời kỳ Carnia (phần đầu của Trias muộn), một số Cynodontia còn ưu thế đã tiến hóa thành các động vật có vú đầu tiên. Cùng thời gian đó thì các bò sát cổ chim (nhóm Ornithodira), cho đến lúc đó vẫn còn ít và không có ảnh hưởng đáng kể, đã tiến hóa thành thằn lằn có cánh (bộ Pterosauria) và các chủng loại khủng long (siêu bộ Dinosauria).
Bò sát mắt cá chân chéo (nhóm Crurotarsi) là một nhánh quan trọng khác của Archosauria, và trong thời kỳ Trias muộn chúng cũng đạt tới đỉnh cao của sự đa dạng, với các nhóm khác biệt, bao gồm các bộ Phytosauria, Aetosauria, một vài nòi giống riêng biệt của bộ Rauisuchia, và các bò sát dạng cá sấu (bộ Crocodylia) đầu tiên (nhánh Sphenosuchia).
Trong lúc ấy thì các loài bò sát hai cung (bộ Rhynchosauria) ăn cỏ to lớn và các loài bò sát thuộc bộ Prolacertiformes ăn côn trùng hay ăn cá có kích thước từ nhỏ đến trung bình đã là các nhóm bò sát Archosauromorpha cơ sở quan trọng trong phần lớn kỷ Trias.
Lystrosaurus là động vật có xương sống đất phổ biến nhất trong kỷ Trias sớm, khi sự đa dạng của động vật đã giảm đi rất nhiều. | Proterosuchus, một loài bò sát ăn thịt giống cá sấu đã tồn tại trong kỷ Trias sớm. | Cynognathus là một dạng bò sát răng chó ở đầu kỷ Trias. Động vật có vú thật sự đầu tiên đã xuất hiện trong giai đoạn này. | Coelophysis, một dạng Khủng long nguyên thủy đã xuất hiện vào giữa kỷ. | Plateosaurus là một Khủng long dạng chân thằn lằn nguyên thủy, sống ở kỷ Trias muộn. |
Sự tuyệt chủng hàng loạt
Những đợt tuyệt chủng hàng loạt quy mô lớn định kỳ đã xảy ra trong suốt lịch sử của sự sống; quả thực, chính trên cơ sở này mà các thời đại địa chất lần đầu tiên đã được thiết lập. Trong số năm sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lớn, sự kiện được biết đến nhiều nhất là sự kiện cuối cùng, diễn ra vào cuối kỷ Phấn trắng và giết chết loài khủng long.
Tuy nhiên, sự kiện tuyệt chủng lớn nhất xảy ra giữa kỷ Permi và kỷ Trias vào cuối kỷ Cổ sinh, và chính sự tuyệt chủng hàng loạt thứ ba này đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự sống trong kỷ Trias. Giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt thứ tư xảy ra vào cuối kỷ Triassic, làm suy giảm đáng kể một số nhóm sống dưới biển và trên cạn, chẳng hạn như ammonoid, bò sát giống động vật có vú và động vật lưỡng cư nguyên thủy, nhưng không ảnh hưởng đến các loài khác.
Kỷ Tam Điệp là một kỷ quan trọng trong lịch sử Trái Đất, đánh dấu sự khởi đầu của Đại Trung Sinh. Kỷ này đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của hệ sinh thái trên Trái Đất, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển của các kỷ địa chất tiếp theo.