Khủng long là một nhóm động vật thống trị Trái Đất trong hơn 160 triệu năm, nhưng sau đó chúng đột ngột tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn trắng, cách đây khoảng 66 triệu năm. Những bí ẩn về sự tuyệt chủng của khủng long vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất trong khoa học.
Tóm tắt về sự khởi đầu và sự xuất hiện của khủng long
Khủng long là một nhóm bò sát thuộc nhánh Dinosauria, xuất hiện lần đầu vào kỷ Tam Điệp khoảng 243 – 233,23 triệu năm trước đây. Khủng long đã thống trị toàn bộ đất liền, biển cả và bầu trời. Khủng long cổ dài bước đi trông lênh khênh như những tòa nhà cao tầng di động.
Khủng long bạo chúa T-rex có hơn 50 chiếc răng khổng lồ với kích thước mỗi chiếc to gần bằng một quả chuối. Thằn lằn biển Mosasaurus – kẻ bá chủ đại dương thời tiền sử với chiều dài từ mõm đến đuôi gần 55 feet (khoảng 17m), sẵn sàng nuốt chửng bất cứ con mồi nào nó tóm được.
Kể từ sau sự kiện tuyệt chủng Tam Điệp-Jura (201,3 triệu năm trước), khủng long trở thành nhóm động vật có xương sống chiếm ưu thế nhất xuyên suốt qua kỷ Jura cho đến cuối kỷ Phấn Trắng, khi sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng-Cổ Cận (66 triệu năm trước) đã đánh dấu kết thúc Đại Trung Sinh và bắt đầu Đại Tân Sinh.
Giả thuyết về nguyên nhân gây tuyệt chủng khủng long và các loài khác
Thiên thạch va vào trái đất
Giả thuyết này được nhiều nhà khoa học ủng hộ nhất. Theo giả thuyết này, một tiểu hành tinh hoặc sao chổi có đường kính khoảng 10-15 km đã va chạm với Trái Đất ở vùng biển nông, gần khu vực ngày nay là Mexico có niên đại trùng với thời gian xảy ra sự kiện kinh hoàng đã chấm dứt 160 triệu năm thống trị của loài khủng long trên Trái Đất. Va chạm giữa tiểu hành tinh và Trái Đất đã gây ra các đám cháy khổng lồ, động đất, sóng thần, thậm chí cả mưa axit.
Sự kiện kinh hoàng này đã mở đường cho một thời kỳ mới, thời kỳ thống trị của động vật có vú trên hành tinh, trong đó có con người.
Siêu núi lửa phun trào
Mặc dù các tác động của tiểu hành tinh chắc chắn có tác động rất lớn đến môi trường Trái đất nhưng chúng không phải là yếu tố duy nhất. Theo các nhà khoa học, một loạt vụ phun trào núi lửa có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong sự tuyệt chủng của loài khủng long vì họ đã tìm được một số manh mối kỳ lạ khác trong các lớp cổ thạch: đá thạch anh bị biến dạng, các viên đá với các tinh thể đã được sắp xếp lại trông có vẻ đã từng chịu áp suất cao; lớp muội than như thể đã xảy ra cháy rừng lan rộng; và những khối đá bị nóng chảy.
Vụ va chạm đã tạo ra một vụ nổ cực lớn, giải phóng bụi và các sol khí sulfuric vào không khí làm ngăn chặn ánh sáng Mặt Trời và giảm quá trình quang hợp của thực vật. Điều này đã dẫn đến sự suy giảm nhiệt độ toàn cầu, gây ra thảm họa diệt vong cho các loài thực vật và động vật, trong đó có khủng long.
Kết hợp của cả hai lý thuyết có thể thấy tiểu hành tinh có khả năng làm cho các vụ phun trào núi lửa trở nên dữ dội hơn, loài khủng long đã bắt đầu chết dần trước khi một điều gì đó thảm khốc nhất xảy đến tiêu diệt toàn bộ chúng.
Sự thay đổi khí hậu
Sự tuyệt chủng của loài khủng long cũng có thể liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Các hoạt động của lớp vỏ bao gồm chuyển động của mảng, phun trào núi lửa, v.v. Những hoạt động địa chất này sẽ làm thay đổi cảnh quan, khí hậu trái đất để thích ứng với các môi trường khác nhau. Trong sự kiện khủng long tuyệt chủng, hoạt động của lớp vỏ có thể đã dẫn đến sự thay đổi mực nước biển và khí hậu trên quy mô lớn dẫn đến cái chết của thực vật và sự sụp đổ của chuỗi thức ăn, từ đó ngăn cản những sinh vật như khủng long tiếp tục sống sót.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của loài khủng long và chưa có một giả thuyết nào được khoa học thống nhất. Nhưng dù nguyên nhân khiến khủng long tuyệt chủng là do tiểu hành tinh hay núi lửa, thì toàn bộ Trái đất đã từng xảy ra những thay đổi đột ngột và khủng khiếp.
Nhưng may mắn thay, sự tuyệt chủng của khủng long đã mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của động vật có vú, bò sát và các loài chim khác đã sống sót và tồn tại ở hành tinh này cho đến ngày nay.