Quốc gia Ai Cập cổ đại đã suy vong từ lâu, văn minh Ai Cập cổ đại đã suy tàn nhưng những thành tựu về văn hóa, khoa học, tư tưởng mà người Ai Cập cổ đại đạt được trên vùng thung lũng sông Nile là những đóng góp hết sức quý báu vào kho tàng chung của loài người. Gần 5.000 năm trôi qua, nhưng hào quang văn minh sông Nile vẫn tiếp tục tỏa sáng.
Nền văn minh Ai Cập cổ đại là gì?
Ai Cập cổ đại là một nền văn minh cổ đại nằm ở Đông Bắc châu Phi, tập trung dọc theo hạ lưu của sông Nile thuộc khu vực ngày nay là đất nước Ai Cập. Nền văn minh Ai Cập được hình thành rõ nét là vào năm 3150 TCN (theo trình tự thời gian của bảng niên đại Ai Cập) với sự thống nhất chính trị của Thượng và Hạ Ai Cập dưới thời vị pharaon đầu tiên (Narmer, thường được gọi là Menes). Lịch sử của Ai Cập cổ đại đã trải qua một loạt các thời kỳ vương quốc ổn định, và các giai đoạn hỗn loạn giữa chúng được gọi là các giai đoạn chuyển tiếp: Cổ Vương quốc thời kỳ Sơ kỳ Đồ đồng, Trung Vương quốc tương ứng giai đoạn Trung kỳ Đồ Đồng và Tân Vương quốc ứng với Hậu kỳ Đồ đồng.
Cơ sở hình thành nền văn minh Ai Cập cổ đại
– Địa hình Ai Cập được chia làm hai khu vực rõ rệt là thượng và hạ Ai Cập. Thượng Ai Cập là dãy thung lũng dài và hẹp, có nhiều núi đá; hạ Ai Cập là vùng châu thổ đồng bằng sông Nile. Lãnh thổ Ai Cập hầu như bị đóng kín, phía Tây giáp sa mạc Libi, phía Đông là Hồng Hải, phía Bắc là Địa Trung Hải, phía Nam giáp sa mạc Nubi và Êtiôpia.
– Cách đây khoảng 12.000 năm, trên lưu vực châu thổ sông Nile, đã có những nhóm người sinh sống. Cư dân Ai Cập cổ bao gồm các bộ lạc từ Đông Bắc châu Phi và Tây Á đến. Họ quần tụ lại cùng tồn tại và trở thành chủ nhân của nền văn minh rực rỡ ở phương Đông – văn minh Ai Cập.
– Sông Nile là một trong những con sông lớn nhất thế giới (6.700 km), phần chảy qua Ai Cập là 700 km. Sông Nile có nguồn nước giàu phù sa, bồi đắp nên những vùng đất màu mỡ… Lưu vực sông còn có một quần thể thực vật phong phú, đặc biệt là cây Papyrut. Sông Nile còn cung cấp một lượng thủy sản phong phú và là huyết mạch giao thông quan trọng. Vì vậy có thể coi Ai Cập chính là “tặng vật của sông Nile”…
Lịch sử Ai Cập cổ đại theo qua các thời kỳ
Lịch sử Ai Cập có thể chia 5 thời kỳ với sự tồn tại của 30 vương triều:
Thời kỳ tảo vương quốc (3200-3000 năm TCN)
- Giai đoạn Tảo vương quốc xấp xỉ tương đương với giai đoạn đầu của nền văn minh Sumer – Akkad ở Mesopotamia và văn minh Elam cổ. Một tư thế người Ai Cập vào thế kỷ thứ III TCN có tên là Manetho đã tập hợp phả hệ các Pharaon từ Menes đến thời đại của ông và chia thành 30 triều địa, tạo thành một hệ thống vẫn được sử dụng cho tới ngày nay.
- Vào thời kỳ này, người Ai Cập đã biết sử dụng công cụ bằng đồng đỏ, biết dùng cày và súc vật để kéo cày. Người đứng đầu nhà nước là một ông vua chuyên chế gọi là Pharaon.
Thời kỳ cổ vương quốc (3000-2200 năm TCN)
- Những tiến bộ lớn trong kiến trúc, nghệ thuật và công nghệ đã xuất hiện vào thời kì Cổ vương quốc, nó được thúc đẩy bởi năng suất nông nghiệp gia tăng có thể nhờ một chính quyền trung ương phát triển tốt.
- Một số thành tựu đỉnh cao của Ai Cập cổ đại, Kim tự tháp Giza và tượng Nhân sư vĩ đại đã được xây dựng trong thời Cổ Vương quốc. Dưới sự chỉ đạo của tể tướng, các quan chức nhà nước thu thuế, phối hợp các dự án thủy lợi để nâng cao năng suất cây trồng, huy động nông dân làm việc trong các dự án xây dựng, và thiết lập một hệ thống tư pháp để duy trì hòa bình và trật tự.
Thời kỳ trung vương quốc (2200-1570 năm TCN)
- Ở thời Trung Vương quốc, xã hội Ai Cập càng phân hóa mạnh mẽ. Do sự phát triển của sản xuất trong nước và do chiến lợi phẩm của các cuộc chiến tranh xâm lược ngày càng nhiều nên của cải và số lượng nô lệ chiến tranh ngày càng tăng lên.
- Sự thống nhất lại Ai Cập dưới vương triều XI – XII là một nhân tố hết sức quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế trong nước.
Thời kỳ tân vương quốc (1570-1100 năm TCN)
- Thời kỳ Tân Vương quốc đã nối tiếp thời kỳ Chuyển tiếp thứ hai trước đó và sau đó nó được nối tiếp bởi thời kỳ Chuyển tiếp thứ ba. Đây là vương quốc thịnh vượng nhất trong lịch sử Ai Cập và đánh dấu sự đỉnh cao quyền lực của các vị Pharaon.
Thời kỳ hậu vương quốc (1100-31 năm TCN)
- Từ thế kỷ X TCN, Ai Cập hết bị chia cắt lại bị ngoại tộc thống trị. Đặc biệt, từ năm 525 TCN, Ai Cập bị nhập vào đế quốc Ba Tư ở Tây Á. Năm 323 TCN, Ai Cập bị Alexandre ở Machedonia chinh phục. Sau khi đế quốc Machedonia tan rã, Ai Cập thuộc quyền thống trị của một vương triều Hy Lạp gọi là vương triều Ptoleme.
– Ai Cập trở thành một tỉnh thuộc địa của đế quốc La Mã (31 năm TCN – 177 năm SCN)
Chính quyền – kinh tế – xã hội nền văn minh Ai Cập cổ đại
Chính quyền
Pharaon là người nắm giữ toàn bộ quyền lực tối cao của vương quốc, và ít nhất là trên lý thuyết sở hữu toàn bộ đất đai cùng tất cả các nguồn tài nguyên của nó. Nhà vua là tổng tư lệnh tối cao của quân đội và là người đứng đầu nhà nước, dựa vào một bộ máy quan lại giúp ông quản lý công việc của mình. Đứng đầu chính quyền của nhà nước chỉ sau nhà vua là tể tướng, người đóng vai trò là đại diện và quản lý toàn bộ đất đai, quốc khố, các công trình xây dựng, hệ thống pháp luật, và các tài liệu lưu trữ. Ở cấp độ khu vực, đất nước được chia thành 42 khu vực hành chính gọi là các nome nằm dưới sự cai trị bởi một nomarch, những người nằm dưới sự giám sát của tể tướng. Các ngôi đền hình thành nên xương sống của cả nền kinh tế. Không chỉ là nơi thờ cúng, chúng còn giữ nhiệm vụ thu gom và tích trữ của cải của vương quốc trong một hệ thống các kho thóc và Kho bạc được quản lý bởi những đốc công, họ giữ trọng trách phân phối thóc lúa và hàng hóa
Hệ thống pháp luật
Người đứng đầu hệ thống pháp luật chính thức là pharaon, có trách nhiệm thi hành và duy trì pháp luật, thực hiện công lý theo khái niệm cổ đại Ai Cập gọi là Ma’at. Mặc dù không tồn tại bộ luật cụ thể từ thời Ai Cập cổ đại, tòa án dựa trên ý thức đúng và sai, ưu tiên đạt được thỏa thuận và giải quyết xung đột hơn là tuân theo một tập hợp quy chế phức tạp.
Hội đồng địa phương, được biết đến như Kenbet, trong thời Tân Vương quốc, đảm nhận vai trò phán quyết trong các vụ kiện nhỏ và tranh chấp nhỏ. Các trường hợp nghiêm trọng như giết người, giao dịch đất lớn, và cướp mộ được đưa đến Đại Kenbet, do tể tướng hoặc pharaon chủ trì. Nguyên đơn và bị đơn phải tự đại diện và thề tuyên thệ trung thực. Chính quyền có thể đóng cả hai vai trò là công tố viên và thẩm phán, thậm chí áp dụng tra tấn để đạt được thú nhận.
Hình phạt cho tội lỗi nhỏ có thể là phạt tiền, đánh đập, cắt xẻo khuôn mặt hoặc lưu đày. Tội nghiêm trọng như giết người và cướp mộ có thể bị trừng phạt bằng cách chém đầu, đuối chết, hoặc đóng cọc. Hình phạt cũng có thể áp dụng cho gia đình của người phạm tội. Từ thời Tân Vương quốc, các nhà tiên tri đóng vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, quyết định bằng cách hỏi thần linh câu hỏi có liên quan đến đúng hay sai, thông qua các vị thầy tế.
Kinh tế
Nông nghiệp: Người Ai Cập cổ đại trồng lúa mì và lúa mạch, và một số loại ngũ cốc khác, tất cả đều được sử dụng để làm cho hai loại thực phẩm chính là bánh mì và bia Các cây lanh bị nhổ bật gốc trước khi chúng bắt đầu ra hoa, vốn được trồng để lấy sợi. Những sợi này được tách dọc theo chiều dài của nó và xe thành sợi, được sử dụng để dệt vải lanh và may quần áo. Cây cói mọc trên các bờ của sông Nile đã được sử dụng để làm giấy. Rau và hoa quả được trồng ở những mảnh đất vườn, gần các ngôi nhà và trên khu đất cao hơn, và phải được tưới nước bằng tay. Rau bao gồm tỏi tây, tỏi, dưa hấu, bí, đậu, rau diếp, và các cây trồng khác, ngoài ra còn có nho đã được chế biến thành rượu.
Thương mại: Người Ai Cập cổ đại đã tiến hành giao thương với các nước láng giềng ngoại quốc của họ để có được hàng hóa quý hiếm và kỳ lạ vốn không được tìm thấy ở Ai Cập. Trong giai đoạn Tiền triều đại, họ đã thiết lập thương mại với Nubia để có được vàng và hương liệu. Họ cũng thiết lập thương mại với Palestine với bằng chứng là những chiếc bình quai chứa dầu theo phong cách Palestine đã được tìm thấy trong các ngôi mộ của các pharaon thuộc triều đại thứ nhất. Một khu thực dân của người Ai Cập đã được thiết lập ở miền nam Canaan có niên đại vào giai đoạn trước khi triều đại thứ nhất bắt đầu. Vua Narmer còn có các đồ gốm Ai Cập được sản xuất tại Canaan và sau đó xuất khẩu trở lại Ai Cập.
Văn hóa Ai Cập cổ đại
Lối sống
Nhà của họ, xây bằng gạch bùn, hạn chế cho một gia đình, với nhà bếp có mái trần, bánh mài và lò nướng nhỏ. Tường nhà sơn trắng, có thể phủ bằng tấm vải lanh nhuộm màu. Sàn nhà có thảm sậy, nội thất gồm ghế gỗ, giường từ sàn và bàn ăn.
Người Ai Cập cổ đại coi trọng vệ sinh và ngoại hình. Họ tắm trên sông Nile, sử dụng xà phòng từ mỡ động vật và phấn. Đàn ông cạo sạch cơ thể, sử dụng nước hoa và mỡ thơm. Quần áo làm từ vải lanh tẩy trắng; tầng lớp thượng lưu đội tóc giả và trang sức. Trẻ em không mặc quần áo cho đến 12 tuổi, khi người con trai cắt bao quy đầu.
Âm nhạc và nghệ thuật múa là giải trí phổ biến. Dụng cụ như sáo, đàn hạc, trumpet, oboe xuất hiện từ thời Tân Vương quốc.
Ẩm thực
Ẩm thực của người Ai Cập vẫn trường tồn mãi theo thời gian; quả thực, các món ăn của người Ai Cập hiện nay vẫn giữ được một số điểm tương đồng nổi bật với các món ăn của người xưa. Chế độ ăn uống chủ yếu bao gồm bánh mì và bia, bổ sung thêm các loại rau như hành tây và tỏi, các loại trái cây như quả chà là và sung. Rượu vang và thịt chỉ được dùng vào các ngày lễ hội trong khi tầng lớp thượng lưu lại thưởng thức chúng một cách thường xuyên hơn. Cá, thịt, gia cầm và có thể được ướp muối hoặc phơi khô, chúng có thể được nấu trong các món hầm hoặc nướng trên vỉ nướng.
Kiến trúc
Nghệ thuật kiến trúc của Ai Cập cổ đại với một số những công trình được coi là nổi tiếng nhất trên thế giới: Kim tự tháp Giza và các đền thờ tại Thebes. Các dự án xây dựng đã được nhà nước tổ chức và hỗ trợ tài chính cho mục đích tôn giáo và kỷ niệm,và còn để củng cố sức mạnh của các pharaon. Người Ai Cập cổ đại là những công nhân xây dựng có tay nghề cao; sử dụng các công cụ và phương tiện đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả, các kiến trúc sư của họ có thể xây dựng các công trình đồ sộ bằng đá với độ chính xác cao.
Ngôn ngữ của Ai Cập cổ đại
Ngôn ngữ Ai Cập cổ đại có 25 phụ âm tương tự với những ngôn ngữ Phi-Á khác. Chúng bao gồm phụ âm đầu và trọng âm, âm tắc, âm xát và âm rung, âm vang và âm ồn. Nó có ba nguyên âm dài và ba nguyên âm ngắn, sau này vào thời Hậu kỳ Ai Cập thì nó được mở rộng lên thành chín. Các từ cơ bản của tiếng Ai Cập tương tự như tiếng Semite và Berber, bao gồm ba hoặc hai gốc phụ âm và bán phụ âm. Hậu tố được thêm vào để tạo thành từ. Việc chia động từ tương ứng với ngôi. Ví dụ, bộ khung ba phụ âm S-Ḏ-M là phần cốt lõi ngữ nghĩa của từ ‘nghe’; chia động từ cơ bản của nó là sḏm, ‘ông ta nghe’. Nếu chủ ngữ là một danh từ, hậu tố không được thêm vào động từ: